Bạn của Người chăn nuôi
Thức ăn trộn hỗn hợp (TMR)
Tiến sĩ Jim Linn
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bò sữa rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chúng và để sản xuất sữa đạt tối đa. Khẩu phần bò sữa phải chứa thức ăn thô xanh chất lượng tốt, cân đối các thành phần: ngũ cốc, protein, khoáng chất và vitamin. Những nguồn thức ăn này cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò sữa để sản xuất sữa, sinh trưởng và sinh sản. Thức ăn cho bò phải đúng lượng và tổng hợp đủ / đúng các chất dinh dưỡng để tránh thừa hoặc thiếu.
Khẩu phần trộn hỗn hợp (TMR) là gì?
TMR là khẩu phần hỗn hợp kết hợp tất cả thức ăn gia súc, ngũ cốc, thức ăn giàu protein, khoáng chất, vitamin và các chất phụ gia vào một thức ăn đơn. TMR sẽ được cho bò ăn, chúng ăn theo ý muốn của chúng.
Tại sao dùng TMR?
Với kiểu cho ăn này bò có tất cả đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết trong từng miếng ăn.
Bò được ăn một lượng thức ăn hỗn hợp mà trong đó đã định lượng trước các loại thức ăn thô xanh và đậm đặc (concentrates) cần thiết cho sản xuất sữa và đảm bảo sức khỏe. Với kiểu cho ăn này bò khó có thể chọn lựa các loại thức ăn như thể lối cho ăn các loại thức ăn riêng lẽ.
Nguy cơ rối loạn tiêu hóa giảm, độ pH dạ cỏ ổn định và tiêu hóa thức ăn được tối ưu hóa vì bò được ăn một hỗn hợp các loại thức ăn có đủ các chất dinh dưỡng chứ không bị thiếu như khi cho ăn các loại thức ăn riêng lẽ mà vì thế bò có thể ăn hoặc bỏ. TMR cung cấp đồng nhất lượng và loại protein và carbohydrate cho vi khuẩn dạ cỏ hoạt động nhờ đó tối đa hóa quá trình lên men và sản xuất của các vi khuẩn dạ cỏ. Bò được ăn đầy đủ các loại thức ăn và các chất dinh dưỡng trong từng miếng ăn sẽ tối ưu hóa sản xuất sữa và bảo vệ sức khỏe cho chúng.
TMR làm giảm công việc cho bò cho ăn và tiết kiệm chi phí lao động.
TMR tạo điều kiện để kiểm soát tốt hơn cũng như số lượng ăn chính xác hơn so với cho bò ăn các loại thức ăn riêng biệt.
Cho ăn một khẩu phần TMR đúng với công thức có thể làm tăng sản lượng sữa 1-2,5 kg mỗi con bò mỗi ngày.
Chất béo trong sữa và các thành phần khác có thể tăng do hoạt động lên men ở dạ cỏ tốt hơn và chất dinh dưỡng được tiêu thụ cân bằng hơn.
Các loại thức ăn thô xanh chất lượng thấp cũng như các thành phần thức ăn không ngon miệng có thể được sử dụng thành công và tốt hơn so với cách thức cho ăn riêng lẽ các loại thức ăn.
Máy trộn TMR giúp xác định dễ hơn lượng thức ăn hàng ngày của bò. Biết được thức ăn hoặc khẩu phần hàng ngày, có thể lên khẩu phần chính xác, nhờ đó giảm thiểu lãng phí, và chi phí thức ăn.
Nhược điểm của TMR
Với chế độ TMR, tất cả bò trong nhóm nhận được khẩu phần như nhau. Không đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Để chế biến được một TMR ta cần có máy trộn cũng như thiết bị cân đo, nên tăng chi phí.
Thức ăn thô như cỏ khô / rơm phải được cắt, băm để trộn, vậy nên lại phải thê chi phí để mua các loại máy cắt, băm.
Trang trại bò sữa cần phải nhóm bò theo các tiêu chí để sử dụng thức ăn TMR được hiệu quả hơn. Vì một nhóm bò sẽ được cho ăn một khẩu phần như nhau, nên các khả năng sản xuất sữa cũng như khối lượng cơ thể của các cá thể càng đồng đều càng tốt. Trong một nhóm chênh nhau về sữa > 10 kg / ngày hoặc khối lượng cơ thể > 100 kg có thể dẫn tình trạng một số bò ăn quá ít hoặc quá nhiều, gây nên tăng chi phí thức ăn và / hoặc giảm năng suất sữa. Trong một trại bò sữa thì nên có ít nhất 3 nhóm bò vắt sữa và 2 nhóm cạn sữa.
Hướng dẫn phân nhóm bò theo TMR
Đàn bò sữa cần phân ra 3 nhóm sản xuất sữa và 2 nhóm bò cạn sữa. Đề xuất nhóm bò theo phương thức dùng TMR như sau:
Bò cạn sữa trước đẻ 2-3 tuần. Loại bò này cần nhu cầu chất khô thấp (khoảng 10 kg/ngày). Thức ăn có nhiều chất xơ và chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để chuẩn bị cho sự ra đời của bê, khởi đầu chu kỳ sữa và giúp ngăn ngừa các trục trặc trao đổi chất. Khẩu phần nên có khoảng 3 kg ngũ cốc, 2-3 kg cỏ khô chất lượng tốt cộng với thức ăn thô như ngô ủ chua và các protein, khoáng chất và phụ gia thức ăn cần thiết để làm cho khẩu phần ngon miệng và giúp ngăn ngừa các rối loạn trao đổi chất (metabolic).
Bò mới đẻ 1- 21 ngày. Nhu cầu lượng chất khô thấp, nhưng giá trị dinh dưỡng cao để sản xuất sữa. Khẩu phần ăn nên có đủ chất xơ (2-3 kg cỏ khô chất lượng tốt) để hỗ trợ hoạt động của dạ cỏ, cộng với thức ăn thô xanh khác và thức ăn đậm đặc để chuẩn bị cho bò bước vào nhóm sản xuất cao đạt “đỉnh sữa” (milk peak).
Nhóm bò cao sản lứa 2 trở lên từ 21 đến 180 ngày. Nhóm bò này ở giai đoạn sản xuất sữa cao và đạt “đỉnh điểm” năng suất của chu kỳ, và cũng là giai đoạn cần lượng chất khô nhiều nhất. Mục tiêu dinh dưỡng cho nhóm bò này là duy trì mức sản xuất sữa cao và để phối chửa lại cho bò. Nhóm này cũng được xem là “nhóm sinh sản” vì tại đây người nuôi tiến hành phát hiện động dục và phối giống.
Nhóm bò đẻ lần đầu. Bò loại này nên ở nhóm riêng thì tốt nhất, vì lý do tập tính bầy đàn và dinh dưỡng. Nhu cầu vật chất khô và sản xuất sữa đạt đỉnh muộn hơn bò lứa khác, nhưng bền hơn. Bò loại này có thể ở chung với nhau qua =>250 ngày rồi thì chuyển đến nhóm bò cuối kỳ sữa.
Bò sữa giữa kỳ (180-250 ngày). Bò trong nhóm này gồm bò đã mang thai và năng suất sữa =75 - 85% nhóm cao sản. Khẩu phần cho nhóm này cần nhiều thức ăn thô và ít đậm đặc hơn so với nhóm cao sản.
Nhóm bò cuối chu kỳ sữa - mang thai (250 ngày cho sữa đến cạn sữa): Nhóm này có thể gồm bò cho sữa lứa đầu, hoặc bò lứa khác đã qua 250 ngày vắt sữa nếu không có chuồng nhốt riêng. Khẩu phần cần cho duy trì mức sản xuất và tránh vỗ béo bò.
Bò cạn sữa (mang thai 220-260 ngày). Mục tiêu dinh dương cho bò ở giai đoạn cạn sữa này là để chuẩn bị cho chu kỳ sữa tới. TMR cho chúng nên chứa nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt / trung bình để “lấp” đầy dạ cỏ và lên men. Tuy nhiên protein phải đầy đủ và cân bằng khoáng chất thích hợp trong khẩu phần.
Xây dựng TMR khẩu phần cho các nhóm
Khẩu phần ăn nên có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn một chút (~ 20%) so với nhu cầu sản xuất sữa, nhưng lượng vật chất khô lại cần đúng như yêu cầu thực tế. Ví dụ, nếu sản lượng sữa trung bình của nhóm là 26 kg, thì khẩu phần cần lên công thức cho mức sản xuất 31 kg. Lượng vật chất khô sử dụng để căn cứ vào đó mà xây dựng khẩu phần nên là lượng mà bò ăn thực tế. Lượng dinh dưỡng cao hơn giúp bò có thể sản xuất nhiều hơn, và nếu vượt thì cũng được sử dụng cho sinh trưởng hoặc cải thiện sức khỏe….
Đối với nhóm bò lứa đầu, khẩu phần ăn nên có lượng chất dinh dưỡng cao hơn 30% so với nhu cầu sản xuất sữa, như thế sẽ đảm bảo luôn cho cả nhu cầu sinh trưởng của loại bò đang lớn này.
Di chuyển giữa các nhóm
Sau khi đẻ, bò nên chuyển vào nhóm bò mới đẻ.
Sau đẻ 14 - 21 ngày, bò khỏe mạnh nên được chuyển vào nhóm sản xuất cao cho tới khi có chửa, và sản lượng sữa giảm xuống 10% so với trung bình của nhóm, hoặc điểm thể trạng (body score) >3.
Bò thường sẽ giảm sản lượng khi bị di chuyển. Để giảm thiểu sự giảm sút này, hãy tiến hành các việc như sau:
- Nên chuyển cả một cụm =>4 con đồng thời. Chuyển từng con riêng rẻ dễ gây nên tác động bầy đàn, bò dễ đánh lộn nhau giữa con cũ và con mới.
- Chuyển bò lúc cho ăn để tránh đánh nhau và nhiễu loạn trong đàn.
- Bò nên được di chuyển thường xuyên theo lịch trình. Điều này giúp con chúng làm quen với di chuyển và thay đổi bầy đàn.
Nếu trong vòng 5 tuần hoặc trước 60 ngày cho sữa sau khi chuyển vào nhóm bò cao sản mà vẫn không đạt mức sản xuất trung bình của nhóm, thì nó nên chuyển tiếp sang nhóm thấp sản hơn.
Cố gắng tránh những thay đổi lớn trong hàm lượng dinh dưỡng khẩu phần giữa các nhóm. Giữa nhóm cũ và mới khẩu phần ăn không vượt quá mức nhu cầu cho sản xuất sữa 9 kg.
Cho ăn TMR hàng ngày
Để áp dụng phương thức cho ăn TMR thành công, người chăn nuôi cần lưu ý tới các vấn đề sau:
Những thay đổi vật chất khô của khẩu phần: Khẩu phần ăn cho bò sữa cần được xây dựng dựa trên vật chất khô. Vậy nên nắm chính xác hàm lượng vật chất khô (100 -% độ ẩm) thức ăn ủ chua, và tất cả các loại ngũ cốc ướt khác cũng như thức ăn ướt khác – là điều tối quan trọng để phối chế một TMR cân đối.
Người phụ trách cho bò ăn tại mỗi trang trại cần có một công cụ đo độ ẩm của thức ăn. Tất cả các loại thức ăn thô xanh, ủ nên được kiểm tra độ ẩm hoặc hàm lượng chất khô ít nhất một lần và tốt nhất là hai lần một tuần.
Nếu ước tính hàm lượng chất khô thấp hơn / hoặc cho rằng độ ẩm nhiều hơn thực tế sẽ dẫn tới việc cho bò ăn số lượng nhiều hơn so với yêu cầu. Và ngược lại.
Người cho bò ăn và người quản lý đàn bò thực hiện cho bò thức ăn TMR cần được cảnh báo về những thay đổi hàm lượng vật chất khô của thức ăn thông qua các hiện tượng và việc làm sau:
- Thay đổi về kích thước, khối lượng của hỗn hợp TMR.
- Bò để thừa thức ăn hơn bình thường (thể hiện TMR có hàm lượng VCK tăng). Và ngược lại.
- Nắm chính xác số bò trong nhóm trong từng ngày và thức ăn cho chúng. Đếm số bò mỗi lần khi cho bò ăn để biết được chính xác lượng thức ăn bò ăn được.
- Cần tăng hoặc giảm số lượng TMR phù hợp với thay đổi hàng ngày lượng thức ăn của bò. Không phải ngày nào bò cũng ăn chính xác một lượng thức ăn như nhau. Thời tiết và nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ăn hàng ngày của bò. Khi điều chỉnh TMR hàng ngày, cần thay đổi tương ứng tất cả mọi thành phần thức ăn. Nếu lượng ăn vào hàng ngày liên tực ít hơn hoặc nhiều hơn 5% hay ~ 2 kg so với công thức được xây dựng ban đầu, thì chúng ta cần xây dựng lại khẩu phần lại dựa vào kết quả khảo sát.
Trộn các thành phần thức ăn trật tự hợp lý:
- Trong các loại máy trộn dùng mũi khoan (augers), ngũ cốc và thức ăn đậm đặc nên được trộn đầu tiên, tiếp theo là cỏ ủ chua thức và cỏ khô được đưa vào cuối cùng. Với loại máy trộn này cỏ khô nên được băm nhỏ hoặc nghiền thô trước khi đưa vào trộn.
- Trong máy trộn thẳng đứng (vertical mixer) dùng một hoặc hai mũi khoan trung tâm thì cỏ khô hoặc cỏ dài thường được đưa vào đầu tiên, sau đó là ngũ cốc, thức ăn đậm đặc và cuối cùng là cỏ ủ chua.
Không nên trộn TMR quá thời gian.
Thời gian trộn khác nhau phụ thuộc vào hàng loạt điều kiện khác nhau: Máy có khoan hay máy dọc (vertical mixers), lượng thức ăn trong máy trộn, kích thước của máy động cơ kéo máy trộn và điều kiện, máy mới hay máy cũ. Nói chung, thời gian trộn nên là 5 phút sau khi thành phần thức ăn cuối cùng đã được đưa vào. Với máy trộn đứng thời gian trộn chỉ 3-5 phút sau khi nguyên liệu cuối được đưa vào. Nếu TMR bị trộn kỹ quá, kích thước hạt giảm và loại thức ăn thô (cung cấp chất xơ) dài không còn trong TMR. Điều này sẽ dẫn đến rối loạn dạ cỏ, bò ít nhai nhai lại và dẫn đến nhiễm toan (acidosis).
Số lần và thời điểm cho ăn hàng ngày.
Có thể cho ăn 1 lần trong 1 ngày, nhưng nếu là 2 lần sẽ mang hiệu quả hơn - đặc biệt là trong mùa nóng, ẩm ướt. Cho ăn lần một vào sáng sớm và lần hai vào buổi tối sẽ đảm bảo thức ăn tươi hơn, “khuyến khích” bò ăn được nhiều hơn. Nhiều trại bò sữa thường có cách là chuyển thức ăn mới đến chuồng khi bò đang ở phòng vắt sữa, và khi xong vắt sữa, bò quay lại chuồng thì đã có thể nhận được thức ăn mới. Cách thức này làm cho bò sau khi vắt sữa trở về thì có thức ăn ngay. Thời gian chúng đứng ăn vú bị ướt trong khi vắt sữa sẽ khô đi và núm vú được “đóng lại” trước khi nằm xuống (giảm thiểu vú bị bẩn do nền chuồng…).
Dồn thức ăn nhiều lần trong ngày.
TMR cần được dồn gần phía bò để cho nó ăn ít nhất 6 lần mỗi ngày. Bò thường ăn đầu tiên thức ăn có gần nhất với nó. Chúng chỉ với tới thức ăn được đặt trong khoảng 72 cm. Do đó, nếu thức ăn không được dồn về phía chúng, thì những con lười ăn sẽ không ăn đủ mức cần thiết. Vì thế dồn thức ăn nhiều lần trong ngày cho bò là điều quan trọng và đặc biệt khi nơi cho ăn quá nhỏ và ít ngắn hơn 46 cm / mỗi con.
Hạn chế bò “chọn lựa” thức ăn.
Bò dùng mũi để chọn thức ăn, rồi cố tách thức ăn hạt cốc khỏi thức ăn thô. Chúng hường ăn ngũ cốc trước sau đó mới ăn cỏ. Nếu chúng không ăn hết cỏ mà chỉ ăn hạt cốc không thì dẫn đến nhiễm toan và gặp sự cố dinh dưỡng. TMR càng khô (ít nước) thì bò càng chọn thức ăn. Vật chất khô của TMR nên 50-55%. Cho ăn nhiều hơn một lần mỗi ngày hoặc dồn thức ăn thường xuyên sẽ làm cho bò ít chọn thức ăn.
Quan sát thức ăn thừa hàng ngày
Thức ăn còn lại trước khi mang TMR mới đến cho bò nên được xem giống như TMR để cho ăn. Nếu còn những cỏ dài, bắp ngô hoặc nhiều thức ăn đơn khác, thì cho thấy bò đã “thực hiện” việc chọn lựa thức ăn và bữa ăn của nó sẽ không cân đối. Vậy nên chúng ta hoặc băm thức ăn thô, thức ăn hạt mịn hơn, hoặc thay thế chúng bằng loại thức ăn khác mà bò khó chọn hơn.
Kiểm tra kích thước hạt của TMR.
Cứ 2-4 tuần một lần cần kiểm tra kích thước các phần tử thức ăn trong TMR. Có thể sử dụng các công cụ để xác định kích thước hạt. Thí dụ sử dụng bộ sàng của Mỹ (Hình 1). Với hệ thống kiểm tra này, tỉ lệ các phần tử thức ăn theo độ dài (dài nhất đến ngắn nhất) trong TMR là 6-10, 30 -50, 30 – 50 và 20%. Nếu loại dài nhất >10% thì bò có thể chọn thức ăn dễ hơn.
Võ Văn Sự (vovansu.vcn@gmail.com ) lược dịch 25/09/2014. Nguồn: Dr. Jim Linn. Feeding total mixed rations. http://www.extension.umn.edu/agriculture/dairy/feed-and-nutrition/feeding-total-mixed-rations/